Phim Cưỡng Đoạt 2 – Taken vốn là bộ phim hành động nổi tiếng của Pháp ra mắt năm 2008 với dàn diễn viên đa quốc tịch. Khi chiếu tại Mỹ, phim bất ngờ thành công lớn, đem lại tổng doanh thu gần 230 triệu USD (kinh phí chỉ hơn 26 triệu USD). Ngoài phần hành động đặc chất Pháp qua sự nhào nặn của nhà làm phim nổi tiếng Luc Besson, Taken còn gây xúc động bởi câu chuyện về người cha một mình đương đầu với những tên tội phạm nguy hiểm để cứu con gái khỏi một nhà thổ ở Paris. Sau 4 năm, số đông êkip cũ trở lại trong phần hai trừ đạo diễn. Oliver Megaton thay Pierre Morel kể một câu chuyện mới về “ cưỡng đoạt ”.
Lấy bối cảnh thời gian sau 2 năm Kim bị bắt cóc tại Paris ở phần một, trong chuyến công tác tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Bryan Mills bất ngờ khi thấy vợ và con gái tới thăm. Cả gia đình đoàn tụ chưa được bao lâu thì bất ngờ băng nhóm của ông trùm Murad – kẻ chủ mưu vụ bắt cóc ở Paris và cũng là cha một tên tội phạm bị Bryan bắt chết trong phần một – xuất hiện. Băng nhóm này muốn bắt sống gia đình Bryan để trả thù. Bryan và vợ cũ, Lenore, bị bắt cóc trên đường còn Kim thì bị truy đuổi. Với những kỹ năng của một đặc vụ CIA xuất sắc, Bryan một lần nữa đương đầu với những tên tội phạm Albania để bảo vệ gia đình mình.
Taken 2 có cách kể đơn giản, không vòng vo và qua trailer, người xem cũng có thể đoán được nội dung. Những tên tội phạm Albania muốn trả thù Bryan nên gài bẫy gia đình anh ở Istanbul. Bryan và Lenore bị bắt cóc còn cô con gái Kim đóng vai trò quan trọng hơn trong phần này. Tính cách Bryan Mills vẫn được xây dựng rất rõ nét như ở phần một – người đàn ông kỹ tính, hết lòng yêu thương vợ con và sẵn sàng đương đầu với cả thế giới để bảo vệ gia đình mình. Trong phần hai, nhân vật này sẽ còn khiến nhiều khán giả phải trầm trồ với khả năng tính toán và suy luận chính xác tới khó tin.
Phim vẫn giữ được không khí nghẹt thở, căng thẳng như phần một. Các cảnh hành động, rượt đuổi trên từng ngõ ngách cổ kính ở Istanbul rất mãn nhãn. Những màn đọ súng giữa Bryan và các tên tội phạm vẫn tạo sự hồi hộp, kích thích. Phần đánh đấm nhanh, gọn, dứt khoát. Tuy nhiên, vì gắn mác PG-13 (Khán giả dưới 13 tuổi cần có cha mẹ xem kèm) nên những cảnh này khá chừng mực và không có quá nhiều máu.
Êkip thực hiện cũng lựa chọn được những bối cảnh rất đẹp ở Istanbul – thành phố giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Sau Paris ở phần một, vẻ cổ kính của thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ với những ngõ hẹp, đường đá gồ ghề và những phiên chợ tấp nập cũng rất thích hợp với một bộ phim thuần hành động như Taken. Taken 2 còn sử dụng một phần âm nhạc từ Drive – bộ phim của đạo diễn Nicolas Winding Refn từng gây chú ý tại LHP quốc tế Cannes (Pháp) năm 2011.
Nếu chỉ xét về hành động thì Taken 2 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong việc đem tới cho khán giả những trường đoạn gay cấn. Tuy nhiên, với những ấn tượng cả về câu chuyện trong phần một, nhiều khán giả sẽ chờ đợi ở phần hai một cái gì đột phá và sáng tạo hơn. Điều đáng tiếc là kịch bản Taken 2 đã đi vào lối mòn, mọi thứ quá đơn giản và dễ đoán. Các tình tiết nối tiếp nhau trôi theo một đường thẳng khiến câu chuyện phim không còn “chất”. Nếu như ở phần một, đọng lại trong người xem đằng sau những cảnh hành động là câu chuyện xúc động về tình cha con, thì phần hai là thuần hành động, bắn giết với thông điệp rất rõ ràng trong lời giới thiệu: “Muốn trả thù, nhưng chúng đã chọn sai người”.
Với kiểu phim hành động thuần túy như Taken thì sẽ rất khó đòi hỏi phần sau phải hay hơn, đặc sắc hơn phần trước. Tuy nhiên, khán giả có thể yên tâm vì với cái kết khá dứt điểm, mọi thứ sẽ khỏi dây dưa sang phần ba